Home » » Câu chuyện bóng đá: Cầu thủ ngoại & tình người xa xứ

Câu chuyện bóng đá: Cầu thủ ngoại & tình người xa xứ

Khi đồng tiền ở V-League được ví như “chìa khóa vạn năng”, lạnh lùng chi phối hầu hết mọi thứ, thì đâu đó vẫn có những hình ảnh rất đẹp về tình đồng nghiệp, đồng hương, tình thầy trò… được in lên nửa sau của trái bóng tròn. Những câu chuyện về những ngoại binh đang sinh sống và chơi bóng tại Việt Nam mà chúng tôi kể sau đây là những minh chứng.

Câu chuyện bóng đá: Cầu thủ ngoại & tình người xa xứ

Lucas (trái) thời còn chơi ở V-League và ân nhân Huỳnh Kesley (ảnh nhỏ)


>> Sài Gòn FC “loạn” vì “hàng rởm” đến từ Uganda
>> Bi kịch ngoại binh thất nghiệp ở Việt Nam
>> Bi kịch ngoại binh thất nghiệp: Người ngựa - Ngựa người


NGHĨA HIỆP NHƯ HUỲNH KESLEY
Thời gian gần đây, trào lưu các cầu thủ ngoại tới Việt Nam tìm kiếm giấc mơ đổi đời nhờ bóng đá đã bớt ồn ào. Những con phố Tây ở TP.HCM cũng không còn cái cảnh những ông tây da màu, vật vạ bên lề đường, công viên; hay những gã thanh niên ngoại quốc ăn mặc xộc xệch, sẵn sàng làm mọi thứ… chỉ để kiếm một bữa cơm qua ngày.



Bây giờ V-League là mảnh đất quá khắc nghiệt, bởi thế những câu chuyện cổ tích của những anh chàng vắt bò sữa, hái cà phê… gần như đã đi vào dĩ vãng. Dẫu vậy, người ta vẫn thấy, đâu đó những con người bị đẩy vào đường cùng vì thiếu hiểu biết, hay bị lợi dụng, hoặc bị chính những người thân của mình lừa lọc. Câu chuyện về tiền đạo Lucas bị nợ lương, đòi tự tử khiến cho nhiều người cảm thấy thương xót.

Bạn bè của tiền đạo người Brazil này kể lại rằng, Lucas đã đặt bút ký hợp đồng với SG.XT 3 năm (2010-2013) với mức lương 3.500 USD/tháng. Tuy nhiên, anh chỉ mới nhận được khoản lương của năm đầu tiên. Còn từ cuối tháng 11/2011 đến nay, Lucas bỗng nhiên trở thành kẻ “ăn bám”, khi phía SG.XT cho rằng, tiền đạo này đã không đáp ứng được chuyên môn như điều khoản đã ghi rõ trong phụ lục hợp đồng.

Cảm thấy hổ thẹn với bạn bè và gia đình, trong hoàn cảnh túng bấn, không ít lần Lucas tuyên bố muốn “quyên sinh”. Đúng vào lúc ấy, Chúa như nghe được lời nguyện cầu, và mang tới cho Lucas những người đồng hương tốt bụng. Đó là vợ chồng tiền đạo nhập tịch Huỳnh Kesley - Lệ Lộc,  là Antonio… những người đã giúp đỡ tận tình để Lucas vượt qua giai đoạn khó khăn. Họ gom góp tiền bạc giúp Lucas có chi phí sinh hoạt tối thiểu trong những tháng ngày khốn khó. Cùng với đó, bằng tầm ảnh hưởng của mình, những ngoại binh này đã giúp Lucas tìm đội bóng mới, dù bất thành. Cuối cùng, Lucas đành chấp nhận dứt bỏ giấc mộng làm giàu tại Việt Nam để về nước tìm một công việc mới. Không ai khác, lại chính những người bạn đồng hương đã giúp Lucas tiền lộ phí về quê.

Thế nên, hôm qua, trước khi lên máy bay trở về Brazil, dù còn ấm ức vì chưa nhận được khoản lương còn lại, nhưng Lucas đã có cho mình những trải nghiệm, những kỷ niệm không thể nào quên. Rằng, ở đó, bất luận thế giới cầu thủ ngoại đầy rẫy phiền toái và sự toan tính đến thực dụng thì vẫn có những tình cảm vô cùng thiêng liêng giữa những đồng hương, giữa những con người đầy lòng trắc ẩn.

TỐT BỤNG NHƯ TSHAMALA, ANTONIO…
Nói đến câu chuyện của “tình người xa xứ” cũng phải nói đến những cầu thủ tốt bụng như Tshamala hay Antonio.

Một đêm ở “phố Tây” Phạm Ngũ Lão (TP.HCM), tôi bắt gặp tiền đạo Tshamala, lúc đó đang chơi cho ĐT.LA, dẫn đám bạn da màu vào một quán ăn nằm trên đường Bùi Viện (Q.1). Tất cả bước vào quán và gọi rất nhiều đồ ăn nhanh. Những nhân viên phục vụ đã “tròn xoe đôi mắt” khi được chứng kiến cảnh một người bạn của tiền đạo người Congo “ăn như chưa bao giờ được ăn”. Còn Tshamala, anh ngồi ở một góc, chỉ cười xòa và động viên bạn mình… ăn thật nhiều. 

Chưa dừng lại ở đó, vừa ăn xong, không chỉ rút ví thanh toán mà Tshamala còn hào phóng tặng cho những anh bạn mỗi người một ít tiền để tiêu vặt. Đến đây, những vị khách, hay nhân viên của quán mới hiểu  rằng, Tshamala đang giúp đỡ những bạn Phi Châu vượt qua cơn đói. Chính hành động nghĩa hiệp ấy, đã được tưởng thưởng bằng những ánh mặt đầy thiện cảm khi Tshamala lên taxi ra về.

Antonio (đang chơi bóng cho CLB SG.XT) là một trong những ngoại binh có thâm niên cao nhất gắn bó với BĐVN. Cựu tiền đạo của ĐT.LA được các đồng nghiệp biết đến như một người khá thoáng. Một cầu thủ người Việt kể lại rằng, nếu nhìn bề ngoài, Antonio có vẻ rất “keo” nhưng lại sống rất tốt với những người xung quanh, đặc biệt là với những đồng hương Brazil.

Số là trước đây, rất nhiều cầu thủ Brazil đến với “miền đất hứa” V-League tìm việc. Trong số họ, có người chơi bóng khá thành công, nhưng cũng có rất nhiều cầu thủ đã vỡ mộng. Kẹt một nỗi, dù rất muốn trở về quê hương nhưng họ lại không có tiền, đành phải “lang bạt kỳ hồ”, ăn nhờ ở đậu các đồng nghiệp.

Cũng như Huỳnh Kesley, không ít lần Antonio đã chìa bàn tay hào hiệp của mình để giúp đỡ những đồng hương. Không chỉ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tới các đội bóng thử việc, Antonio còn cho tiền để họ ăn ở, mưu sinh qua ngày. Chính vì thế, mỗi khi Antonio thi đấu, người ta thường thấy rất nhiều CĐV ngoại quốc cổ vũ cho anh một cách nhiệt tình và hào hứng.

Quả thực, có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến cầu thủ ngoại, thậm chí là nhiều khi, dư luận nhìn họ với con mắt thiếu thiện cảm thì đâu đó, vẫn có những câu chuyện thú vị, cảm động liên quan đến họ”… Đó thực sự là “những hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người”. Vẻ đẹp ấy, dẫu có bị che lấp trong dòng chảy bóng đá vị kim tiền; thì nó vẫn tồn tại, vẫn bất diệt… để người ta viết nên những câu chuyện đầy ý nghĩa và mang tính nhân văn cao cả.
Source : bongdaplus[dot]vn
Share this article :

0 comments:

Post a Comment

 
Support : Creating Website | Johny Template | Maskolis | Johny Portal | Johny Magazine | Johny News | Johny Demosite
Copyright © 2011. Trang tin bóng đá tổng hợp - All Rights Reserved
Template Modify by Creating Website Inspired Wordpress Hack
Proudly powered by Blogger